Doanh nghiệp có bắt buộc có tên viết tắt không?
11/15/2024
Doanh nghiệp có bắt buộc có tên viết tắt không? Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp? Các trường hợp nào được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký?
1. Doanh nghiệp có bắt buộc có tên viết tắt không?
Căn cứ khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020, quy định về tên tiếng Việt doanh nghiệp như sau:
(i) Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm “loại hình doanh nghiệp” và “tên riêng”.
(ii) Loại hình doanh nghiệp được viết như sau:
- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn: Công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty TNHH.
- Đối với công ty cổ phần: Công ty cổ phần hoặc công ty CP.
- Đối với công ty hợp danh: Công ty hợp danh hoặc công ty HD.
- Đối với doanh nghiệp tư nhân: Doanh nghiệp tư nhân, DNTN hoặc doanh nghiệp TN.
(iii) Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
Ngoài tên tiếng Việt, doanh nghiệp còn có tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp. Về tên viết tắt của doanh nghiệp, được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài (theo Điều 39 Luật Doanh nghiệp 2020).
Do đó, mỗi doanh nghiệp chỉ bắt buộc có tên tiếng Việt, tên viết tắt có thể có hoặc không, tùy thuộc vào nhu cầu của doanh nghiệp.
Như vậy, không bắt buộc doanh nghiệp phải có tên viết tắt.
2. Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp?
Căn cứ Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2020, khi đặt tên doanh nghiệp những điều sau bị cấm:
- Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
- Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
3. Các trường hợp nào được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký?
Căn cứ khoản 2 Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020, các trường hợp được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký bao gồm:
(i) Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký.
(ii) Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký.
(iii) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký.
(iv) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó.
(v) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-”, “_”.
(vi) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.
(vii) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”.
(viii) Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.