Thuế thu nhập cá nhân (sau đây gọi tắt là “TNCN”) từ tiền lương, tiền công là khoản thuế mà người lao động có thu nhập phải trích một phần từ tiền lương, tiền công vào ngân sách nhà nước sau khi đã tính các khoản giảm trừ. Hằng năm, người nộp thuế có thể yêu cầu hoàn thuế nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật khi quyết toán thuế TNCN. Vậy, trường hợp các năm trước chưa yêu cầu hoàn thuế thì bây giờ có được hoàn thuế hay không? Trường hợp nếu được thì cần lưu ý những vấn đề gì?
1. Hoàn thuế TNCN là gì?
Hoàn thuế TNCN là việc nhà nước hoàn trả số thuế TNCN mà người nộp thuế đã nộp vào Ngân sách nhà nước trong một số trường hợp nhất định.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, cá nhân được hoàn thuế trong các trường hợp sau đây:

- Số tiền thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp;

- Cá nhân đã nộp thuế nhưng có thu nhập tính thuế chưa đến mức phải nộp thuế;

- Các trường hợp khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Lưu ý: Việc hoàn thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với những cá nhân đã đăng ký và có mã số thuế tại thời điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế.

2. Có được hoàn thuế TNCN các năm cũ chưa quyết toán?
Yêu cầu hoàn thuế TNCN được thực hiện thông qua việc quyết toán thuế TNCN, cụ thể:

- Đối với cá nhân đã ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện quyết toán thay thì việc hoàn thuế của cá nhân được thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân trả thu nhập.

- Đối với cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế thì có thể nhận lại số tiền thuế đóng thừa hoặc lựa chọn bù trừ với số thuế phải nộp của kỳ tiếp theo.

Do đó, thời gian thực hiện yêu cầu hoàn thuế cũng đồng thời là thời gian thực hiện việc quyết toán thuế, cụ thể:

  Tổ chức, cá nhân quyết toán thuế thay cho NLĐ

Cá nhân trực tiếp quyết toán thuế

Trước 01/7/2020


Thậm nhất là ngày thứ 90 (chín mươi), kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính


Thậm nhất là ngày thứ 90 (chín mươi), kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính

Kể từ 01/7/2020

Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính

Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch

Theo như quy định trên, kể từ 01/07/2020, Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch là hạn cuối cùng của thời hạn quyết toán thuế năm 2019.

Như vậy, tính đến thời điểm này, người nộp thuế đã hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân các năm 2018 trở về trước.

Tuy nhiên, việc yêu cầu hoàn thuế các năm cũ vẫn có thể được thực hiện nhưng sẽ bị xử phạt đối với hành vi chậm nộp tờ khai quyết toán thuế TNCN theo quy định.

3. Mức xử phạt vi phạm hành chính do chậm nộp hồ sơ khai thuế
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 5 và Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm hành chính do chậm nộp hồ sơ khai thuế được quy định cụ thể như sau:

Thời hạn chậm nộp hồ sơ khai thuế

Mức xử phạt

Từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ

Phạt cảnh cáo

Từ 01 ngày đến 30 ngày

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng

Từ 31 ngày đến 60 ngày

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng

- Từ 61 ngày đến 90 ngày
- Từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
- Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng

Trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng

Lưu ý:

- Mức phạt trên được áp dụng đối với tổ chức, mức xử phạt đối với cá nhân bẳng ½ mức phạt của tổ chức.

- Trường hợp cá nhân có phát sinh hoàn thuế thu nhập cá nhân nhưng chậm nộp tờ khai quyết toán thuế theo quy định thì không áp dụng phạt đối với vi phạm hành chính khai quyết toán thuế quá thời hạn