Trong quá trình hoạt động doanh nghiệp có thể có những thay đổi về vốn điều lệ của công ty như tăng vốn điều lệ…Tăng vốn như nào cho đúng quy định của pháp luật là vấn đề được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Dưới đây là toàn bộ quy định của pháp luật về tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Phải góp đủ vốn điều lệ trước khi làm hồ sơ lên sở kế hoạch đầu tư.

Khoản 4, Điều 68 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định:

” Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc tăng hoặc giảm vốn điều lệ, công ty phải thông báo bằng văn bản đến Cơ quan đăng ký kinh doanh. Thông báo phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

  • a) Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp;
  • b) Vốn điều lệ; số vốn dự định tăng hoặc giảm;
  • c) Thời điểm, lý do và hình thức tăng hoặc giảm vốn;
  • d) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Đối với trường hợp tăng vốn điều lệ, kèm theo thông báo phải có nghị quyết và biên bản họp của Hội đồng thành viên. Đối với trường hợp giảm vốn điều lệ, kèm theo thông báo phải có nghị quyết và biên bản họp của Hội đồng thành viên và báo cáo tài chính gần nhất. Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật thông tin về việc tăng hoặc giảm vốn điều lệ trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo.”

Theo quy định trên thì trong vòng 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc tăng vốn (các thành viên góp đủ số vốn tăng thêm) thì doanh nghiệp phải làm thủ tục thông báo về việc tăng vốn với Sở kế hoạch đầu tư.

Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên để đáp ứng các yêu cầu khi tham gia thầu, ký hợp đồng .v.v.... Khi làm hồ sơ lên Sở kế hoạch đầu tư cam kết là đã hoàn thành việc góp vốn nhưng trên thực tế chưa góp đủ số vốn đó nên chú ý tới quy định này. Nếu sau này doanh nghiệp nộp hồ sơ xin giảm vốn với lý do lúc tăng vốn chưa góp đủ thì sở kế hoạch đầu tư sẽ ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp giải trình về việc góp vốn khi tăng vốn.

Hình thức tăng vốn điều lệ

Xét về hình thức tăng vốn thì mỗi loại hình công ty sẽ có những hình thức tăng vốn khác nhau:

- Công ty TNHH một thành viên: Tăng vốn theo hình thức tăng thêm vốn góp của chủ Sở hữu công ty.

- Công ty TNHH hai thành viên có thể tăng theo các hình thức sau:

  • Tăng vốn góp của thành viên;
  • Tiếp nhận vốn góp của thành viên mới.

Trong trường hợp công ty TNHH hai thành viên tăng vốn theo hình thức tiếp nhận vốn góp của thành viên mới cần chú ý: Số lượng thành viên công ty TNHH 2 thành viên trở lên là từ 2 thành viên đến 50 thành viên nên nếu tiếp nhận vốn góp của thành viên mới làm số thành viên công ty vượt quá 50 thành viên thì công ty phải làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ Công ty TNHH hai thành viên sang công ty Cổ phần.

- Công ty cổ phần có thể tăng vốn theo hình thức chào bán cổ phần  bao gồm các hình thức:

  • Chào bán cho các cổ đông hiện hữu;
  • Chào bán ra công chúng;
  • Chào bán cổ phần riêng lẻ.

Đối với trường hợp Chào bán cổ phần ra công chúng, chào bán cổ phần của công ty cổ phần niêm yết và đại chúng thực hiện theo các quy định của pháp luật về chứng khoán.

Hồ sơ tăng vốn điều lệ công ty

Hồ sơ tăng vốn điều lệ công ty bao gồm:

  • Thông báo về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
  • Quyết định của chủ sở hữu công ty/ Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông công ty về việc tăng vốn
  • Biên bản họp của hội đồng thành viên/ Đại hội đồng cổ đông về việc tăng vốn
  • Văn bản ủy quyền cho người đại diện làm thủ tục.

Về cơ bản hồ sơ để tăng vốn điều lệ công ty bao gồm những giấy tờ như trên. Tuy nhiên đối với trường hợp tăng vốn theo hình thức tiếp nhận phần vốn góp của thành viên mới. Doanh nghiệp  phải bổ sung thêm hồ sơ thay đổi thành viên công ty bao gồm:

  • Thông báo về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
  • Danh sách thành viên trong công ty
  • Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/ Hộ chiếu của thành viên mới.

Trường hợp tăng vốn dẫn đến việc phải chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty TNHH hai thành viên sang công ty cổ phần, doanh nghiệp cần bổ sung thêm 01 bộ hồ sơ chuyển đổi loại hình doanh nghiệp bao gồm:

  • Giấy đề nghị thành lập công ty cổ phần
  • Điều lệ công ty cổ phần
  • Danh sách cổ đông công ty cổ phần
  • Quyết định của Hội đồng thành viên công ty về việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp
  • Biên bản họp của Hội đồng thành viên công ty về việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp
  • Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/ Hộ chiếu của thành viên mới.

Lưu ý:

Một số trường hợp sử dụng mẫu thông báo II-1 tăng vốn tại thông tư 20/2015/TT-BKHĐT bị ra thông báo yêu cầu sửa đổi bổ sung “doanh nghiệp ghi rõ vốn điều lệ thay đổi (không phải vốn điều lệ mới) theo quy định tại khoản 14 điều 1 nghị định 108/2018/NĐ-CP” do biểu mẫu tại thông tư 20/2015/TT-BKHĐT có ghi là “vốn điều lệ mới”  vì vậy các doanh nghiệp lưu ý để tránh sự máy móc của chuyên viên phòng ĐKKD các địa phương

Mức lệ phí môn bài, nộp tờ khai Lệ phí môn bài khi tăng vốn điều lệ

Theo quy định tại Điều 4, Nghị định 139/2016/NĐ-CP và thông tư 302/2016/TT-BTC thì từ năm 2017 mức lệ phí môn bài đối với doanh nghiệp chỉ còn 02 mức:

  • Từ 10 tỷ trở xuống - Lệ phí môn bài là : 2.000.000 VNĐ/năm
  • Trên 10 tỷ: Lệ phí môn bài là: 3.000.000 VNĐ/năm
  • Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác : 1.000.000 đồng/năm

Khi tăng vốn điều lệ dẫn tới thay đổi số Lệ phí môn bài phải nộp doanh nghiệp sẽ phải nộp lại tờ khai Lệ phí môn bài trước ngày 31/12 của năm doanh nghiệp có thay đổi về vốn điều lệ. Tiền Lệ phí môn bài tăng thêm doanh nghiệp không phải nộp trong năm có thay đổi về vốn. Tham khảo thêm: Quy định về lệ phí môn bài.

Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0978 619 629 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác!