Kỹ năng làm việc và giải trình với đoàn thanh tra thuế
14/05/2021
Trong bài viết này chúng tôi chia sẻ với bạn một vài lời khuyên về kinh nghiệm tiếp đoàn thanh tra thuế
I. Những lưu ý quan trọng trong quá trình làm việc với đoàn thanh tra thuế:
- Luôn tạo không khí thân thiện, cởi mở và hợp tác trong suốt quá trình làm việc thoải mái hơn tránh gây áp lực căng thẳng cho cả hai bên.
- Chưa chắc chắn thì xem lại rồi giải trình sau, không giải trình sai lệch vấn đề. Những cái gì chưa chắc chắn, chưa có thì xem lại, tìm lại rồi bổ sung sau.
- Hồ sơ, chứng từ bị thiếu thì xin kiểm tra lại rồi bổ sung sau, không nói không có ngay khi chưa tìm kỹ lại.
- Tránh trường hợp lúc nào cũng lôi Luật, Thông tư, Nghị định ra để làm việc. Dựa trên luật thông tư nghị định để làm việc nhưng cách đưa vào phải khéo léo, nhẹ nhàng tránh việc gây ức chế cho đoàn thanh tra thuế.
- Đừng để ý quá nhiều vào tình tiết nhỏ mà không để ý đến lỗi sai nghiêm trọng của công ty. Nên tập trung vào những mấu chốt quan trọng.
- Đứng cố tỏ ra quá nguy hiểm, làm việc theo tinh thần hợp tác, hãy luôn luôn là người biết lắng nghe tiếp thu ý kiến, nếu không đúng thì mình góp ý lại tránh việc ngựa non háu đá hay cố tỏ ra mình giỏi hơn cán bộ thuế.
- Tránh tám chuyện linh tinh với cán bộ thuế để vô tình chung đánh mất thông tin của công ty.
- Chuẩn bị nhân sự đầy đủ để giải trình trong suốt quá trình làm việc. Vì thường giám đốc sẽ không nắm rõ, hay nắm hết được các công việc mà kế toán đang làm để tránh vô tình nói ra những điều không nên nói.
II. Các công việc cần chuẩn bị trước khi quyết toán thuế:
1. Công tác sắp xếp chứng từ gốc
- Chúng ta cần sắp xếp chứng từ gốc hàng tháng theo tuần tự của bảng kê thuế đầu vào đầu ra đã in và nộp báo cáo cho cơ quan thuế hàng tháng: bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 12 của năm tài chính. Các chứng từ gốc: hóa đơn đầu vào đầu ra được kẹp chung với tờ khai thuế GTGT hàng tháng đã nộp cho cơ quan thuế.
- Mỗi chứng từ hoặc một nhóm chứng từ phải kèm theo:
Hóa đơn bán ra phải kẹp theo phiếu thu nếu bán ra hoặc thu tiền vào đồng thời kẹp thêm phiếu xuất kho , kèm theo hợp đồng và thanh lý nếu có.
Hóa đơn mua vào (đầu vào) phải kẹp với phiếu chi và phiếu nhập kho, phiếu đề nghị thanh toán kèm theo hợp đồng, thanh lý nếu có.
Nếu bán chịu phải kẹp phiếu kế toán (hay phiếu hạch toán) và phiếu xuất kho kèm theo hợp đồng , thanh lý nếu có,…
Tất cả phải có đầy đủ chữ ký theo chức danh.
- Kẹp riêng chứng từ của từng tháng, mỗi tháng một tập có bìa đầy đủ.
2. Sắp xếp báo cáo đã nộp cho cơ quan thuế
- Đi kèm theo chứng từ của năm nào là báo cáo của năm đó. Một số báo cáo thường kỳ là: tờ khai kê thuế GTGT hàng tháng, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn: xuất nhập khẩu, môn bài, tiêu thụ đặc biệt và báo cáo thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tạm tính hàng quý.
- Báo cáo tài chính, quyết toán thuế TNDN, TNCN, hoàn thuế kèm theo của từng năm.
3. Chuẩn bị sổ sách đã in hàng năm (theo hình thức Nhật ký chung)
- Sổ nhật ký chung
- Sổ nhật ký bán hàng
- Sổ nhật ký mua hàng
- Sổ nhật ký chi tiền
- Số nhật ký thu tiền
- Sổ chi tiết công nợ phải thu cho tất cả các khách hàng
- Sổ chi tiết công nợ phải trả cho tất cả các nhà cung cấp
- Biên bản xác nhận công nợ của từng đối tượng (nếu có) cuối năm.
- Sổ quỹ tiền mặt và sổ chi tiết ngân hàng.
- Sổ cái các tài khoản: 111,112,....152,153....,211,214,…621,622,...,911. Tùy theo doanh nghiệp sử dụng quyết định 48 hoặc 15.
- Sổ tổng hợp về tình hình tăng giảm tài sản cố định
- Sổ tổng hợp về tình hình tăng giảm công cụ dụng cụ
- Sổ khấu hao tài sản cố định
- Sổ khấu hao công cụ dụng cụ
- Thẻ kho/ sổ chi tiết vật tư
- Bảng tổng hợp nhập xuất tồn từng kho
- Toàn bộ chứng từ đã nhập đều phải in ra ký (đầy đủ chữ ký).
Lưu ý: số thứ tự các phiếu phải được đánh và sắp xếp tuần tự.
4. Sắp xếp các hợp đồng kinh tế
- Sắp xếp đầy đủ theo tuần tự từng hợp đồng đầu vào/ đầu ra
- Kiểm tra các biên bản, giấy tờ của từng hợp đồng nếu có: hợp đồng, biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng
- Hợp đồng lao động và hệ thống thang bảng lương: hợp đồng lao động, bảng lương, phải có chữ ký đầy đủ.
- Các quyết định bổ nhiệm, điều chuyển công tác, tăng lương.
5. Hồ sơ pháp lý
- Chuẩn bị đầy đủ cả gốc và photo công chứng (xác thực).
- Các công văn đến/đi liên quan đến cơ quan thuế
6. Kiểm tra chi tiết khác:
- Kiểm tra đối chiếu giữa sổ chi tiết với sổ tổng hợp tài khoản (sổ cái)
- Kiểm tra đối chiếu các nghiệp vụ kinh tế phát sinh so với sổ định khoản: hóa đơn đầu ra – vào và sổ kế toán
- Kiểm tra đối chiếu công nợ khách hàng
- Kiểm tra các khoản phải trả
- Kiểm tra dữ liệu nhập và khai báo thuế giữa hóa đơn đầu vào – ra với bảng kê khai thuế
- Đầu vào và đầu ra có cân đối
- Kiểm tra ký tá có đầy đủ
- Kiểm tra lại xem định khoản các khoản phải thu và phải trả định khoản có đúng
- Kiểm tra lại bảng lương xem ký có đầy đủ, số liệu trên sổ cái 334 và bảng lương có khớp : đối với nhân viên phải có hồ sơ đầy đủ.
Nội dung công việc sẽ thực hiện :
1. Kiểm tra sự phù hợp của các chứng từ kế toán;
2. Kiểm tra việc định khoản, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh;
3. Kiểm tra việc lập và kê khai báo cáo thuế VAT hàng tháng;
4. Kiểm tra lập báo cáo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp;
5. Kiểm tra hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân;
6. Kiểm tra việc lập báo cáo tài chính theo quy định;
7. Điều chỉnh các sai sót, chưa phù hợp với quy định của pháp luật;
8. Thiết lập lại số sách kế toán, báo cáo thuế theo đúng quy định của các luật thuế;
9. Thực hiện điều chỉnh các báo cáo thuế khi có sai lệch;
10. Làm việc và giải trình với cơ quan thuế.
⇒ Trên đây là một số công việc chính cẩn chuẩn bị, tùy thuộc tình hình thực tế mỗi doanh nghiệp có thể phải chuẩn bị các công việc khác nhau.
Chúc các bạn có một mùa quyết toán thuế thành công!