Doanh nghiệp có thể cho các doanh nghiệp khác vay tiền.
Hoạt động cho vay không phải khai, nộp thuế giá trị gia tăng.
Chi phí trả lãi vay có thể tính vào chi phí hợp lý.

1. Doanh nghiệp có thể cho doanh nghiệp khác vay tiền

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 của Thông tư 09/2015/TT-BTC thì:

"Điều 4. Hình thức thanh toán trong giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau giữa các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng

1. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng (là các doanh nghiệp không thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng) khi thực hiện các giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau sử dụng các hình thức thanh toán được quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này. [...]"

Như vậy, doanh nghiệp có thể cho các doanh nghiệp khác vay tiền; tuy nhiên, khi thực hiện giao dịch cho vay thì KHÔNG được thanh toán bằng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) mà phải thanh toán bằng các hình thức sau:

- Thanh toán bằng Séc;

- Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;

- Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.

2. Các khoản thuế liên quan đến giao dịch cho vay

Đối với doanh nghiệp cho vay:

- Thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động cho vay:

Căn cứ theo quy định tại Điểm b, Khoản 8, Điều 4 của Thông tư 219/2013/TT-BTC thì các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng có gồm:

"Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT

...

8. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán sau đây:

...

b) Hoạt động cho vay riêng lẻ, không phải hoạt động kinh doanh, cung ứng thường xuyên của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng. [...]”

Như vậy, hoạt động cho vay thuộc đối tượng KHÔNG chịu thuế giá trị gia tăng; cho nên, doanh nghiệp cho vay không phải khai và nộp thuế giá trị gia tăng khi cho doanh nghiệp khác vay tiền (bao gồm cả gốc và lãi vay).

- Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lãi cho vay:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 7, Điều 7 của Thông tư 78/2014/TT-BTC thì khoản tiền lãi từ tiền cho vay sẽ được bù trừ vào khoản chi trả lãi tiền vay của doanh nghiệp đó.

Trường hợp khoản thu từ lãi cho vay vốn phát sinh cao hơn các khoản chi trả lãi tiền vay, thì sau khi bù trừ, phần chênh lệch còn lại tính vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế. Ngược lại, nếu thấp hơn thì phần chênh lệch còn lại giảm trừ vào thu nhập sản xuất kinh doanh chính khi xác định thu nhập chịu thuế.

Đối với doanh nghiệp đi vay:

Căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 96/2015/TT-BTC thì:

Chi phí trả lãi vay được tính là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nếu bảo đảm hai điều kiện dưới đây:

- Lãi suất không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.

- Phải góp đủ vốn điều lệ đã đăng ký theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp.

Ví dụ:

Ngày 15/12/2019, Công ty A (đã góp đủ vốn điều lệ), vay 300.000.000 đồng của công ty B với lãi 1,4%/tháng. Biết mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng NNVN công bố ngày 15/12/2019 là 0.8%/tháng.

- Chi phí lãi vay phải trả cho cá nhân hàng tháng: 300.000.000 * 1,4% = 4.200.000 đồng

- Chi phí lãi vay được trừ = 300.000.000 * 0.8% * 150% = 3.600.000 đồng

- Phần chi phí lãi vay không được trừ = 4.200.000 – 3.600.000 = 600.000 đồng

Lưu ý:

Chi trả lãi tiền vay tương ứng với vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được xác định như sau:

- Trường hợp số tiền vay nhỏ hơn hoặc bằng số vốn điều lệ còn thiếu thì toàn bộ lãi tiền vay là khoản chi không được trừ.

- Trường hợp số tiền vay lớn hơn số vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn:

+ Nếu doanh nghiệp phát sinh nhiều khoản vay thì khoản chi trả lãi tiền vay không được trừ bằng tỷ lệ (%) giữa vốn điều lệ còn thiếu trên tổng số tiền vay nhân (x) tổng số lãi vay.

+ Nếu doanh nghiệp chỉ phát sinh một khoản vay thì khoản chi trả lãi tiền vay không được trừ bằng số vốn điều lệ còn thiếu nhân (x) lãi suất của khoản vay nhân (x) thời gian góp vốn điều lệ còn thiếu.